Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, sự bùng nổ của CNTT với các nền tảng công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn đang hình thành nên xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực.
Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT trong chiến lược phát triển DN, nhiều DN Việt Nam đã mạnh dạn và chủ động đầu tư, áp dụng những thành tựu của CNTT vào hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của DN và đã đạt được những thành công nhất định.
Tuy nhiên, đa số DN hiện nay vẫn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của CNTT nên hạn chế đầu tư cho CNTT hoặc còn đang loay hoay trong việc lựa chọn mô hình CNTT phù hợp với năng lực tài chính và mục đích của DN mình.
Bình luận về thực tế này, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp, VCCI cho rằng, Việt Nam hiện đang có hơn 500.000 DN, nhưng phần lớn là DN nhỏ và vừa (DNNVV). Một trong những khó khăn nhất của các DNNVV là nguồn lực còn hạn chế, vì vậy, để đầu tư cho bộ phận nhân sự CNTT chuyên sâu, có năng lực giỏi dường như là điều “xa xỉ” đối với nhiều DN.
Cũng theo ông Lợi, hiện nhiều DN với nguồn lực còn hạn chế đã lựa chọn giải pháp thuê nhân sự CNTT ngoài theo thời vụ. Tuy nhiên, các chủ DN, CEO cần phải ý thức được rõ nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh, các DN phải tự đổi mới theo trào lưu mới và sự phát triển của xã hội, từ đó có những sự đầu tư xứng đáng cho CNTT để phục vụ cho hoạt động của DN.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện CNTT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, hiện nay hạ tầng CNTT của Việt Nam đã có mức giá rẻ, cạnh tranh, tương đối ổn về đường truyền dẫn… tạo nhiều thuận lợi cho DN. Do đó DN cần vận dụng CNTT để tối ưu hóa năng suất lao động, năng suất cạnh tranh.
"Hiện nay chúng ta có hàng trăm tỷ thiết bị kết nối, song song đó chúng ta có hàng nghìn tỷ ứng dụng trên các thiết bị và mang lại giá trị rất nhiều cho DN. Cái cần của DN hiện nay là tốc độ, do đó nếu không ứng dụng CNTT DN khó có thể cạnh tranh, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập như hiện nay", ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Ngô Hồng Sơn, Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, sự bùng nổ của internet và xu hướng chuyển dần phương thức giao tiếp truyền thống sang phương thức giao tiếp điện tử buộc các DN phải thay đổi mô hình kinh doanh và cách thức quản lý của mình trên nền tảng một hệ thống hạ tầng CNTT linh hoạt và đồng bộ…./.